Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học môn ngữ văn


11-04-2018
Những năm gần đây, đổi mới phương pháp dạy học được xem là một phương châm quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Cũng vì thế xuất hiện rất nhiều phương pháp dạy học mới.

   Những năm gần đây, đổi mới phương pháp dạy học được xem là một phương châm quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Cũng vì thế xuất hiện rất nhiều phương pháp dạy học mới. Theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học nói chung trong đó có môn Ngữ văn thì không có sự hạ thấp vai trò của giáo viên mà ngược lại giáo viên chính là người tổ chức, thiết kế, điều hành giờ học.

   Nhìn vào thực tế bộ môn Ngữ văn hiện nay, chúng ta thấy học sinh dường như ít mặn mà với môn học. Có lần TS Chu Văn Sơn- giảng viên trường ĐHSP Hà Nội, một nhà giáo đầy tâm huyết với việc dạy Văn nói về vấn đề học sinh chán học môn Ngữ văn. Theo thầy Chu Văn Sơn, chưa bao giờ học sinh chán môn Văn như hiện nay. Nếu như Văn không phải môn bắt buộc thi tốt nghiệp, có thể số học sinh lựa chọn còn ít hơn Sử. Cũng theo thầy Chu Văn Sơn, hiện nay chúng ta đang sống trong tình trạng dạy và học Văn đầy nghịch lý. Chưa bao giờ người dạy Văn Việt Nam được trang bị nhiều kiến thức, phương pháp, được sự hỗ trợ bởi những phương tiện tối tân, đặc biệt là những phương tiện gắn liền với công nghệ thông tin như bây giờ. Đáng ra với điều kiện đó, chất lượng học Văn phải cao hơn, học trò yêu Văn hơn. Nhưng trên thực tế lại không như chúng ta mong muốn.

        Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học nhằm phát huy năng lực của học sinh đặt ra như một nhu cầu tất yếu cho giải pháp nâng cao chất lượng môn Ngữ văn. Với mong muốn cải tiến phương pháp để hiệu quả giảng dạy được tốt hơn, chúng tôi nhận thấy cần tích cực hơn nữa trong việc vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại, một trong những phương pháp tổ chức dạy học được áp dụng là dạy học theo dự án.

Đó là hình thức dạy học mà người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, tạo ra các sản phẩm cá nhân hoặc một nhóm theo yêu cầu. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập. Để tiến hành dạy học bộ môn Ngữ văn theo phương pháp dự án, chúng ta có thể triển khai các bước sau:

- Xác định nội dung kiến thức có thể hình thành dự án.

- Thiết lập dự án ( sao cho phù hợp với nội dung, với trình độ nhận thức và khả năng thực hiện của người học.)

- Giao nhiệm vụ ( phân từng nhóm, giáo nhiệm vụ cho mỗi nhóm, yêu cầu về thời gian, tiêu chí đánh giá cụ thể.)

- Thực hiện dự án ( học sinh thực hiện dự án, giáo viên hướng dẫn, đôn đốc và giúp đỡ khi cần thiết)

- Trình bày sản phẩm ( các nhóm báo cáo kêt quả, sản phẩm)

- Tổng kết, đánh giá ( các nhóm và giáo viên nhận xét, cho điểm, giáo viên chốt lại nội dung quan trọng liên quan trực tiếp tới bài học)

     Các vấn đề quen thuộc về tìm hiểu tác giả, tác phẩm, tóm tắt cốt truyện là những nhiệm vụ đơn giản, học sinh hầu như không có khó khăn. Nên khi giao nhiệm vụ này chủ yếu là rèn kỹ năng thuyết trình và cung cấp thông tin bằng nhiều hình thức: vẽ trang, dùng phim minh họa, đóng kịch, làm thơ, trình chiếu tư liệu hay tạo hình ảnh, phông chữ đẹp trên powerpoint…

      Vấn đề quan trọng nhất của việc dạy học theo dự án là vai trò của giáo viên trong việc xác định bản chất bài học, đưa ra tình huống có vấn đề, phán đoán khó khăn của học sinh, tổ chức các hoạt động trong giờ học chú trọng việc tương tác giữa người học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết vấn đề đã đặt ra trong dự án.

     Ví dụ khi dạy tác phẩm“Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), chúng tôi đặt ra vấn đề: chọn  chi tiết được lặp lại nhiều lần trong tác phẩm mà em cho là đặc sắc, tập trung thể hiện chủ đề tác phẩm, số phận và tính cách nhân vật chính. Thực tế học sinh tìm được nhiều chi tiết nhưng một số không tập trung theo yêu cầu. Giờ học, giáo viên thống nhất chọn ba chi tiết: Mị bị so sánh với thân trâu ngựa (tập trung thể hiện số phận bất hạnh, bi thương), tiếng sáo gọi bạn (sức sống tiềm tàng trỗi dậy mãnh liệt), ngọn lửa (niềm khao khát tự do cháy bỏng thổi bùng thành hành động phản kháng). Sau đó chia ba nhóm trình bày, cuối cùng giáo viên chốt lại các vấn đề.       

     Hoặc chúng tôi đặt vấn đề: có hay không chuyện đám cưới và hôn nhân trong tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân). Kết quả là 100% học sinh sau khi làm việc nhóm đã thống nhất không có chuyện đám cưới nhưng có một cuộc hôn nhân thực sự. Sau đó đại diện của một nhóm học sinh lên trình bày, bảo vệ quan điểm. Các nhóm khác phản biện, bổ sung. Giáo viên sẽ chốt lại ba vấn đề: 1. không có chuyện đám cưới để khái quát hiện thực cuộc sống và thân phận con người bị rẻ rúng đến thảm hại; 2. Có một cuộc hôn nhân thực sự để khái quát giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm: tình yêu thương chia sẻ, cưu mang của những người cùng cảnh ngộ, niềm khao khát hạnh phúc gia đình, ý thức vươn lên trên cái đói, cái chết để vui và hi vọng; 3. Câu hỏi thảo luận có hay không chuyện đám cưới và hôn nhân trong tác phẩm chính là tình huống truyện đặc sắc thể hiện tài năng sáng tạo của Kim Lân khiến tác phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc.

   Thực tế, phương pháp dạy học theo dự án đã thực sự giúp giờ học văn sôi nổi, học sinh tích cực. Tuy nhiên vấn đề thời gian cho tiết học và hệ thống kiến thức để đảm bảo cho việc hoàn thành các bài thi lại là một trở ngại lớn. Chúng tôi đã và đang tìm cách để khắc phục khó khăn này. Trước mắt, chúng tôi thấy có thể kết hợp các phương pháp khác nhằm nâng hiệu quả giờ lên lớp như dạy học theo bản đồ tư duy. Bản đồ tư duy giúp học sinh học được phương pháp học tập chủ động, tích cực, hệ thống được kiến thức nhanh, khắc phục hạn chế phải ghi chép nhiều, khó nhớ. Một số em học tập chăm chỉ  có thể vẽ nhiều bản đồ tư duy nhỏ cho một vấn đề trong bài học, hoặc liên hệ với phần trước, biết hệ thống kiến thức, liên kết kiến thức với nhau, từ đó biết vận dụng kiến thức đã học trước vào bài học sau. Do đó, việc sử dụng thành thạo bản đồ tư duy trong dạy học, sẽ giúp học sinh học được phương pháp tự học, tăng tính độc lập, chủ động, sáng tạo và phát triển tư duy.

    Kế hoạch dạy học theo dự án yêu cầu cả giáo viên và học sinh đều phải chủ động, sáng tạo, phát hiện, tìm tòi những vấn đề hay, những biện pháp phù hợp, tích cực tương tác để trao đổi, phản biện từ đó tìm ra chân lý và cũng là cách hữu hiệu để phát triển năng lực tư duy, tạo sự hấp dẫn và thú vị và quan trọng là  lấy lại vị trí của môn văn học trong trái tim học sinh.

                                                                Tổ Ngữ văn

 


Người đăng:Tạ Đăng Tuấn
11-04-2018

Các ý kiến thảo luận

Tải thêm

Gửi
Các bài viết cùng chuyên mục

Video nổi bật

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến:
Lượt truy cập: